Tiểu sử Nguyên_Nhân_Tông

Cha ông là Đáp Lạt Ma Bát Lạt, con trai Thái tử Chân Kim và anh ruột của Nguyên Thành Tông Thiết Mục Nhĩ. Mẹ ông là Hoằng Cát Lạt Đáp Kỷ, sinh ra ông và người anh trai Nguyên Vũ Tông Hải Sơn. Xét vai vế gia tộc, ông là cháu gọi Hốt Tất Liệt bằng ông cố, gọi Chân Kim bằng ông nội, và gọi Thành Tông bằng chú ruột.

Bát Đạt vốn nhân từ và hiếu thảo. Năm 1292, Chân Kim mất, Hải Sơn chuyển đến Mạc Bắc sinh sống, bỏ lại em trai là Bát Đạt, khi đó lên 7 tuổi. Năm 1294, Nguyên Thành Tông kế vị, tôn mẹ ruột Khoát Khoát Chân, cũng chính là tổ mẫu của Bát Đạt làm Hoàng thái hậu. Thấy Bát Đạt bơ vơ, Thái hậu giữ lại cung nuôi nấng, tuyển hiền sĩ Lý Mãnh dạy học cho Bát Đạt[1]. Càng lớn, ông càng trở nên thông minh, nhẫn nại và cứng rắn, khiến cho Bốc Lỗ Hãn, Hoàng hậu của Thành Tông thập phần dè chừng.

Năm Đại Đức thứ 4 (1300), Thái hậu băng, Bát Đạt mất đi chỗ dựa. Năm 1305, Nguyên Thành Tông đau ốm liên miên, để mặc Bốc Lỗ Hãn nhúng tay vào việc triều chính. Mẹ con Bát Đạt bị Hoàng hậu đày tới Hoài Châu[2]. Cuộc sống vất vả ở đó đã rèn luyện Bát Đạt trưởng thành sớm, dần dần ông nhìn thấu nỗi khổ của người dân và hiểu được những chính sách vô lý của nhà Nguyên thời bấy giờ. Bát Đạt không ngừng học hỏi nhiều thứ khi ở Hoài Châu. Ông cho rằng cuộc sống ở làng quê còn yên bình hơn khi phải ở Đại Đô hay Thượng Đô.